Cấy chỉ - bước tiến mới của kỹ thuật châm cứu tại Trung tâm Y tế huyện Gia Viễn
Cấy chỉ được đánh giá là phương pháp trị liệu có hiệu quả rất cao nhờ kết hợp giữa châm cứu truyền thống với tiến bộ khoa học kỹ thuật. Với phương pháp châm cứu thông thường, bác sĩ châm kim vào huyệt vị và lưu kim 30 phút, kích thích chỉ tạo ra tại thời điểm châm cứu và kéo dài vài giờ đồng hồ sau đó nên bệnh nhân cần làm châm cứu hàng ngày. Nhưng với trị liệu cấy chỉ, đoạn chỉ catgut (chỉ tự tiêu) sẽ được đưa vào huyệt vị và lưu lại nhiều ngày, tạo ra kích thích liên tục nên tác dụng kéo dài hơn và bệnh nhân không phải đến làm thủ thuật hàng ngày.
Tác dụng của phương pháp cấy chỉ:
Hiệu quả cao và lâu dài: Trị liệu cấy chỉ cho hiệu quả nhanh chóng. Bệnh nhân có thể cảm nhận rõ rệt sự thuyên giảm của các triệu chứng bệnh ngay từ những lần trị liệu đầu tiên. Bên cạnh đó, phương pháp này còn duy trì được tác dụng lâu dài, hạn chế tái phát bệnh trở lại.
Chữa bệnh không cần dùng thuốc: Cấy chỉ là phương pháp trị liệu không dùng thuốc mà chỉ sử dụng duy nhất loại chỉ catgut, kết hợp với dụng cụ kim châm để đưa chỉ vào cơ thể. Do đó phương pháp này rất an toàn cho sức khỏe.
Cấy chỉ giúp tăng lưu thông máu, tăng thể trạng và sức đề kháng: Khi cấy một đoạn chỉ catgut vào huyệt vị sẽ làm tăng phản ứng đồng hóa, giảm dị hóa, đồng thời tăng cường chuyển hóa protein, hydratcacbon tại vị trí các cơ gần huyệt vị. Nhờ đó làm tăng lưu thông máu, nâng cao thể trạng và hệ miễn dịch cho bệnh nhân.
Áp dụng được cho nhiều tình trạng bệnh lý: Nếu như các phương pháp chữa trị khác chỉ có thể chữa được 1-2 bệnh thì cấy chỉ có thể áp dụng điều trị cho rất nhiều tình trạng bệnh lý khác nhau, thuộc nhiều đối tượng khác nhau.
Tiết kiệm thời gian và chi phí: Thông thường một buổi trị liệu cấy chỉ chỉ diễn ra trong khoảng 30 phút đến 1 giờ đồng hồ tùy vào mức độ phức tạp của bệnh. Khoảng cách giữa 2 lần cấy chỉ thường từ 10 đến 15 ngày. Do đó người bệnh không mất nhiều thời gian cho việc trị liệu mà vẫn thu được kết quả cao. Nhờ đó tiết kiệm tối đa chi phí điều trị.
Giải quyết vấn đề tâm lý và thẩm mỹ: Cấy chỉ không gây đau, không để lại sẹo tạo cảm giác thoải mái cho người bệnh khi điều trị.
Cấy chỉ được chỉ định cho các bệnh mạn tính và một số trường hợp bệnh cấp tính do thầy thuốc chỉ định tùy theo tình trạng bệnh lý của người bệnh như: Hệ thần kinh: Đau đầu, đau nửa đầu, mất ngủ, đau thần kinh vai gáy, đau thần kinh cánh tay, đau thần kinh tọa, đau thần kinh do zona, liệt các dây thần kinh ngoại biên, và các trường hợp liệt khác: di chứng sau bại liệt ở trẻ em, di chứng liệt sau tai biến mạch máu não (đột quỵ), di chứng liệt sau chấn thương cột sống, chứng run tay chân của bệnh parkinson, ...; Hệ tiêu hóa: Viêm loét dạ dày - tá tràng, viêm đại tràng mạn tính, viêm đại tràng co thắt, sa dạ dày, trĩ nội...; Hệ hô hấp: Bệnh hen phế quản nhẹ và vừa, viêm phế quản co thắt, viêm họng, viêm amidan, ...; Hệ xương khớp: Thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, đau lưng, đau xương khớp do phong thấp, thoái hoá khớp lớn và vừa (thoái hóa khớp gối, khớp khuỷu tay...), nhược cơ; Hệ sinh dục - tiết niệu: Đái dầm, đái không tự chủ, di tinh, liệt dương, phì đại tiền liệt tuyến, rối loạn kinh nguyệt, thống kinh, vô sinh; Bệnh ngũ quan: Sụp mi mắt, suy giảm thị lực, ù điếc tai, viêm mũi dị ứng, viêm mũi xoang dị ứng, ...; Các rối loạn chuyển hóa, cơ địa dị ứng, giảm đau do ung thư, giảm béo, giảm béo bụng sau sinh đẻ, ...
Lợi ích của cấy chỉ là thế nhưng cấy chỉ cũng có những tai biến trong quá trình thực hiện, biến chứng không mong muốn và thường gặp nhất ở cấy chỉ là nhiễm khuẩn. Nguyên nhân do thực hiện không tốt công tác vô khuẩn như thầy thuốc không thực hiện đúng vô khuẩn trong thực hiện thủ thuật, cơ thể bệnh nhân không sạch sẽ, sau cấy chỉ bệnh nhân nhanh chóng tiếp xúc với môi trường ô nhiễm…Vì thế, để tránh tai biến trên cần thực hiện cấy chỉ tại cơ sở y tế uy tín và được cấp phép thực hiện. Đặc biệt, có những trường hợp chống chỉ định trong cấy chỉ như: Các trường hợp bệnh lý thuộc diện cấp cứu, ngoại khoa; Người có sức khỏe yếu, thiếu máu, có tiền sử hoặc mắc bệnh tim; Cơ thể ở trạng thái không thuận lợi như: vừa lao động xong, mệt mỏi, đói, ...; Tăng huyết áp kịch phát, đang sốt cao; Phụ nữ có thai hoặc đang có kinh; Những bệnh nhân dị ứng với chỉ catgut.
Một số những lưu ý khi thực hiện cấy chỉ: Khi đi cấy chỉ: Không ăn quá no, không quá đói, không lao động thể lực quá sức, không quá mệt mỏi, không uống rượu; không uống nước ngọt có gas, chè đặc, cà phê đặc; Nên ngồi nghỉ ngơi tại chỗ trước khi điều trị và cần tắm rửa trước khi đến điều trị. Để tiện cho việc điều trị, người bệnh nên mặc quần áo rộng rãi; Sau khi cấy chỉ: Người bệnh cần nghỉ tại phòng khám 10-15 phút; Có thể tắm rửa 6-8 giờ sau khi cấy chỉ; Người già, người tàn tật, trẻ em cần có người nhà đưa đón đến phòng khám; Cần mang theo kết quả xét nghiệm máu, nước tiểu, phim Xquang, đơn thuốc đang điều trị (nếu có) để thầy thuốc tham khảo.
Tại Trung tâm Y tế huyện Gia Viễn, phương pháp cấy chỉ trong điều trị bệnh lý mạn tính đã được triển khai tại khoa Y học cổ truyền và phục hồi chức năng từ tháng 4/2020 với bác sĩ y học cổ truyền được đào tạo cấy chỉ tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương. Ngoài ra, năm 2021, Trung tâm Y tế huyện Gia Viễn được Bệnh viện Châm cứu Trung ương chuyển giao kỹ thuật cấy chỉ theo Đề án 1816 giúp nâng cao năng lực điều trị bệnh nhân tại đơn vị. Từ năm 2020 đến nay với .... lượt kỹ thuật được thực hiện đã mang lại hiệu quả điều trị, không sảy ra tai biến, chi phí cho mỗi lần điều trị thấp, hiệu quả điều trị duy trì kéo dài nên tiết kiệm được thời gian và hiệu quả cao.
Chuyển giao kỹ thuật theo Đề án 1816 của Bệnh viện châm cứu Trung ương với Trung tâm Y tế huyện Gia Viễn.
BSCKI. Nguyễn Thế Dũng hướng dẫn thực hiện kỹ thuật cấy chỉ tại khoa YHCT&PHCN - TTYT huyện Gia Viễn